Bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không?

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một rối loạn mạn tính, gồm những đặc tính tăng glucose máu, rối loạn chuyển hóa và các biến chứng về thận, thần kinh, tổn thương mắt và các bệnh tim mạch. Đây là một bệnh tiến triển dần dần và kéo dài qua nhiều giai đoạn khác nhau. Vậy bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh tiểu đường type 2 là gì?

Bệnh tiểu đường tuýp 2 (đái tháo đường type 2) do cơ thể không thể sử dụng insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả như người bình thường. 

Người lớn tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên nhiều người còn được gọi đây là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn hay bệnh tiểu đường của người lớn tuổi. Bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh, chủ yếu do thừa cân béo phì, lười tập thể dục…

biến chứng tiểu đường

Đái tháo đường type 2 biến chứng lên các cơ quan

2. Nguyên nhân tiểu đường type 2

Tuyến tụy đảm nhận vai trò tạo ra hormone insulin. Insulin giúp các tế bào chuyển chất bột đường (glucose) từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo thành năng lượng. 

Thế nhưng, ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2 này, dù cơ thể tạo ra insulin nhưng các tế bào lại không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Để tránh lượng đường bị tồn đọng trong máu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để giải quyết glucose đang “tồn kho” để đưa vào tế bào. Đến một thời điểm, khi tuyến tụy không thể sản xuất số lượng insulin đều đặn được nữa thì glucose không được tạo thành năng lượng sẽ tích tụ trong máu và gây bệnh.

Dưới đây là những yếu tố thúc đẩy và kết hợp để tạo ra nguyên nhân gây bệnh tiểu đường loại 2:

  • Gien: các nhà khoa học đã tìm thấy các đoạn DNA khác nhau ảnh hưởng đến cách cơ thể tạo ra insulin.
  • Thừa cân/béo phì: được xem là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 do tình trạng kháng insulin. Thế nhưng, không phải ai thừa cân cũng mắc bệnh tiểu đường type 2. Người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường.
  • Hội chứng chuyển hóa: người bị kháng insulin thường đối diện với một nhóm các biểu hiện bao gồm lượng đường trong máu cao, mỡ thừa quanh eo, huyết áp cao, cholesterol và chất béo trung tính cao.
  • Gan mất cân bằng “điều phối” glucose. Bản thân insulin có vai trò vận chuyển glucose vào tế bào để tạo năng lượng nuôi cơ thể hoặc lưu trữ ở gan dưới dạng glycogen khi cơ thể dư glucose. Thế nhưng, ở một số trường hợp, gan bị suy giảm chức năng cân bằng chuyển hóa glucose dẫn tới kháng insulin, không dung nạp glucose và đái tháo đường.
  • Các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả nên glucose không thể đi nuôi cơ thể. Điều này có thể gây ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
  • Tế bào beta suy giảm chức năng dần dần theo thời gian. Vì vậy, tế bào beta-tụy không tiết đủ insulin để bù trừ cho tình trạng đề kháng insulin.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường type 2

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 có thể rất nhẹ mà người bệnh không nhận thấy rõ. Khoảng 8 triệu người mắc bệnh này nhưng thường ít để ý đến các triệu chứng, bao gồm:

  • Rất khát.
  • Đi tiểu nhiều.
  • Nhìn mờ.
  • Cáu kỉnh.
  • Ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Mệt mỏi/cảm thấy mệt mỏi.
  • Vết thương không lành.
  • Nhiễm trùng nấm men tiếp tục tái phát.
  • Cảm thấy đói.
  • Giảm cân mà không cần cố gắng.
  • Bị nhiễm trùng nhiều hơn.

Nếu thấy xuất hiện biểu hiện sẫm màu, da sần sần quanh cổ hoặc nách (bệnh gai đen) có thể xem là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin.

4. Bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không?

Bệnh tiểu đường type 2 có sự tác động qua lại giữa yếu tố gen, yếu tố môi trường và tuổi. Yếu tố có thể can thiệp được là môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn, luyện tập thể dục thể thao, các stress.

Nếu mới chẩn đoán bệnh, mức đường huyết chưa quá cao, chưa có biến chứng do đái tháo đường, chúng ta có thể điều trị bệnh tiểu đường type 2 bằng thay đổi chế độ ăn và luyện tập. Cũng tùy mức đường huyết và bệnh lý kèm theo mà bác sĩ quyết định có dùng thuốc không, dùng thuốc gì.... Nhìn chung, bệnh đái tháo đường type 2 có thể kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập.

Cách tốt nhất để phòng chống các biến chứng về mạch máu, giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh tiểu đường type 2 là duy trì glucose máu gần mức sinh lý.

5. Phác đồ điều trị bệnh tiểu đường type 2

Hướng dẫn điều trị này chỉ áp dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 ở giai đoạn không có những bệnh cấp tính, như nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng cấp, hoặc phẫu thuật, hoặc ung thư. Hướng dẫn điều trị này không áp dụng cho người dưới 18 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.

Bạn có thể tự kiểm tra đường huyết mao mạch tại nhà

Những điều chú ý khi lựa chọn thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2:

  • Tuân thủ các nguyên tắc điều trị.
  • Trên thực tế, tùy bệnh cảnh của từng người bệnh mà quyết định phương pháp điều trị. Lúc đầu có thể điều trị không dùng thuốc; nếu không đạt mục tiêu điều trị phải xem xét sử dụng thuốc.
  • Thuốc lựa chọn ban đầu của chế độ đơn trị liệu nên dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu BMI < 23 nên chọn thuốc nhóm sulfonylurea, nếu BMI từ 23 trở lên, nên chọn nhóm metformin.

Những nguyên tắc sử dụng insulin khi phối hợp insulin và thuốc hạ glucose máu bằng đường uống:

  • Cần giải thích cho người bệnh hiểu và yên tâm với phương pháp điều trị phối hợp với insulin, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi khi dùng insulin.
  • Chọn bút tiêm hoặc bơm tiêm phải phù hợp với loại insulin (1ml = 100 đơn vị hay 1ml = 40 đơn vị; 1ml = 50 đơn vị insulin).

Các dạng bút tiêm insulin trong điều trị đái tháo đường type 2

Chỉ định sử dụng insulin:

  • Nếu HbA1C > 9,0% mà mức glucose máu lúc đói > 15,0 mmol/l.
  • Người bệnh đái tháo đường kèm mắc một bệnh cấp tính khác; ví dụ nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
  • Người bệnh đái tháo đường suy thận có chống chỉ định dùng thuốc viên hạ glucose máu hoặc tổn thương gan...
  • Người đái tháo đường mang thai hoặc đái tháo đường thai kỳ.
  • Người điều trị các thuốc hạ glucose máu bằng thuốc viên không hiệu quả; người bị dị ứng với các thuốc viên hạ glucose máu...

Luân phiên vị trí tiêm insulin trong điều trị đái tháo đường type 2

Bắt đầu dùng insulin:

  • Thường liều sulfonylurea được giảm đi 50% và chỉ uống vào buổi sáng.
  • Liều insulin thường bắt đầu với liều 0,1 UI/kg loại NPH, tiêm trước lúc đi ngủ hoặc
  • Ngày hai mũi tiêm với insulin hỗn hợp (insulin mixt), tùy thuộc vào mức glucose huyết tương và/hoặc HbA1c.

Điều chỉnh liều insulin:

  • Khi tăng liều sulfonylurea đến mức tối đa hoặc liệu pháp insulin đạt tới mức 0,3 UI/kg mà vẫn không làm hạ được lượng đường trong máu.
  • Điều chỉnh mức liều insulin cứ 3-4 ngày/lần hoặc 2 lần/tuần.

6. Chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường nên lựa chọn các loại thực phẩm cân đối về chất xơ và chất bột đường nhằm giúp đường huyết luôn ổn định sau ăn. Nên chú ý đến chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) để lựa chọn thức ăn phù hợp cho mình. Chỉ số GI càng cao, thì khả năng làm tăng đường huyết sau ăn càng cao.

Rau xanh tốt cho người bệnh đái tháo đường type 2

  • Nên bổ sung nhiều rau xanh, chúng chứa nhiều chất xơ giúp ổn định chỉ số đường huyết.
  • Nên ăn những thực phẩm giàu omega-3, như cá hồi, hạt chia, óc chó,... có lợi cho tim mạch.
  • Nên sử dụng các loại sữa ít chất béo, có chứa đường palatinose và chất xơ hòa tan, không làm đường huyết tăng nhanh sau khi ăn.

Thực phẩm nên ăn cho người tiểu đường loại 2 bao gồm carbohydrate phức tạp như gạo nâu, lúa mì nguyên chất, quinoa, bột yến mạch, trái cây, rau, đậu và đậu lăng.

Thực phẩm cần tránh bao gồm carbohydrate đơn giản, được chế biến, chẳng hạn như đường, mì ống, bánh mì trắng, bột mì và bánh quy, bánh ngọt, các loại thịt đóng hộp, thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên, thịt xông khói. Các thực phẩm chế biến sẵn thường nhiều muối và đường không những làm tăng đường huyết sau ăn mà còn ảnh hưởng chỉ số huyết áp.

Khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường (đái tháo đường) cho đến nay vẫn còn là một thách thức rất lớn trong y khoa. Nhưng theo nhận định của các nhà khoa học của Đại học Manchester (Vương quốc Anh) vào năm 2014, bệnh tiểu đường type 2 có hy vọng được chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc Tây y và lối sống lành mạnh. Vì vậy, hãy xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org