Khi nào phải uống thuốc tiểu đường?

Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường mắc phải các vấn đề y tế khác nhau như: Tổn thương mắt và dây thần kinh, đau tim và đột quỵ. Việc uống thuốc tiểu đường đúng cách sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng xảy ra. Tuy nhiên, người bị tiểu đường uống thuốc gì và uống khi nào sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như mức độ nghiêm trọng hay độ tuổi của người bệnh.

1. Tiểu đường là bệnh gì?

Tiểu đường là dạng bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng lượng đường trong máu vượt hơn ngưỡng bình thường (4.0 - 7.2 mmol/ l). Bệnh gồm các dạng: tiểu đường thai kỳ, tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Bệnh do sự thiếu hụt tiết insulin hay đề kháng với insulin gây ra và cũng có trường hợp là do cả hai yếu tố này.

phân loại tiểu đường

3 dạng bệnh tiểu đường

2. Nhận biết bệnh tiểu đường

2.1. Tiểu đường type 1

+ Ăn uống nhiều hơn bình thường.

+ Giảm cân nhanh.

+ Đi tiểu nhiều.

+ Mắt mờ.

+ Tâm trạng thay đổi thất thường theo chiều hướng cáu kỉnh.

+ Bứt rứt, thở có mùi hoa quả, thở sâu và nhanh, lú lẫn,...

2.2. Tiểu đường type 2

+ Thường xuyên khát nước.

+ Nhìn kém nếu bệnh nhân có biến chứng mắt.

+ Đi tiểu nhiều.

+ Đối với các trường hợp đái tháo đường lâu năm có thể gây biến chứng thần kinh khiến bệnh nhân có cảm giác tê bì hoặc ngứa râm ran bàn tay, bàn chân.

+ Khó lành vết thương.

+ Hay bị đói.

+ Sụt cân nhanh chóng.

+ Dễ bị nhiễm trùng.

+ Màu da sẫm hơn, quanh nách hoặc cổ có sần.

3. Khi nào phải uống thuốc tiểu đường?

Uống thuốc tiểu đường vào lúc nào phù hợp sẽ phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nhiều người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường loại 2 có lượng đường trong máu cao hơn một chút so với bình thường và chúng không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Khi bệnh tiểu đường loại 2 phát triển ở độ tuổi lớn hơn, bệnh hiếm khi dẫn đến tổn thương thần kinh và mạch máu. Các tình trạng khác như huyết áp cao mới thường là vấn đề đáng lo ngại hơn.

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở độ tuổi 40 hoặc 50, người bệnh có thể sẽ phải sống chung với tình trạng này trong một thời gian khá dài. Sau đó, lượng đường trong máu thậm chí hơi quá cao có thể dẫn đến các vấn đề khác trong một thời gian dài. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với những người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường loại 2 là giữ cho lượng đường trong máu giảm xuống bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và trì hoãn thời điểm phải uống thuốc tiểu đường.

Bảng chỉ số để xác định bệnh tiểu đường không

Bảng chỉ số để xác định xem mình có mắc bệnh tiểu đường không

Mục đích của việc tìm hiểu uống thuốc tiểu đường vào lúc nào là ngăn ngừa bệnh tiểu đường dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Lượng đường trong máu cao liên tục có thể gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề y tế ảnh hưởng đến thận, bàn chân và võng mạc. Nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim cũng có thể tăng lên. Thuốc hạ đường huyết được sử dụng lúc này là để nhằm mục đích ngăn ngừa hoặc trì hoãn những vấn đề sức khỏe này càng nhiều càng tốt.

4. Vì sao phải uống thuốc tiểu đường?

Các thuốc viên giảm đường huyết hay thuốc chống đái tháo đường được chỉ định là nhằm ổn định lượng đường trong máu. Nếu không thể hạ đủ lượng đường trong máu bằng cách thay đổi lối sống, người bệnh cần phải được xác định sớm thời điểm khi nào thì phải uống thuốc tiểu đường. Nếu một loại thuốc không đủ, điều trị lúc này có thể được kết hợp với các viên thuốc hạ đường huyết khác.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc giữ lượng đường trong máu ở mức thấp sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương các mạch máu nhỏ, đặc biệt là ở mắt. Dù vậy, vẫn chưa rõ thuốc chống đái tháo đường giúp ngăn ngừa các biến chứng như đau tim và đột quỵ tốt như thế nào. Hầu như không có bất kỳ nghiên cứu dài hạn nào trong lĩnh vực này và cũng không có đủ nghiên cứu về cách các loại thuốc khác nhau tác động thế nào để so sánh.

Mặt khác, người bệnh cũng luôn cần tuân thủ chỉ định khi nào phải uống thuốc tiểu đường, uống thuốc tiểu đường vào lúc nào hay bị tiểu đường uống thuốc gì. Điều này là do tất cả các loại thuốc tiểu đường đôi khi có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Lúc này, tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra.

5. Các loại thuốc trị đái tháo đường

5.1 Metformin

Thuốc này làm giảm lượng glucose do cơ thể sản xuất. Đây là loại thuốc điều trị tiểu đường được được đánh giá là dung nạp tốt nhất. Vì lý do này, các bác sĩ thường khuyên nên thử metformin trước.

Các tác dụng phụ của thuốc metformin có thể xảy ra bao gồm: Tiêu chảy và cảm thấy không khỏe, đặc biệt nếu metformin không được dùng chung với bữa ăn. Trong một số trường hợp rất hiếm (khoảng 1 trong số 10.000 người mỗi năm), những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 dùng metformin bị nhiễm toan. Đây là thuật ngữ y tế để chỉ quá nhiều axit trong máu, có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, buồn nôn hoặc sốc tuần hoàn. Do đó, những người bị suy giảm chức năng thận, giảm chức năng tim hoặc nghiện rượu thường không được phép dùng metformin.

5.2 Sulfonylureas

Loại thuốc này giúp cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn. Giống như metformin, chúng cũng đã được sử dụng trong một thời gian khá dài. Các đợt hạ đường huyết thường phổ biến hơn khi sử dụng sulfonylurea so với metformin. Một số người cũng tăng cân khi họ bắt đầu điều trị. Những người khác có thể có phản ứng dị ứng với sulfonylurea.

5.3 Glitazone

Pioglitazone là glitazone duy nhất vẫn còn trên thị trường. So với sulfonylurea, pioglitazone ít gây hạ đường huyết hơn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Pioglitazone bao gồm: Tăng cân, gãy xương, giữ nước và suy tim.

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã đưa ra cảnh báo rằng pioglitazone có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư bàng quang. Do tác dụng phụ tiềm ẩn của pioglitazone, đây không phải là thuốc được lựa chọn đầu tiên.

5.4 Glinides

Glinides bao gồm các loại thuốc Nateglinide và Repaglinide. Chúng làm tăng sản xuất insulin trong cơ thể. So với Metformin, Glinides dễ dẫn đến hạ đường huyết nhẹ và vừa. Glinides có thể gây tăng cân.

5.5 Gliptins (chất ức chế dipeptidyl peptidase-4)

Gliptins cũng kích thích sản xuất insulin. Chúng bao gồm các loại thuốc Linagliptin, Saxagliptin, Vildagliptin và Sitagliptin. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Gliptins bao gồm đau đầu và các vấn đề về đường tiêu hóa (dạ dày và ruột).

5.6 Gliflozin (thuốc ức chế SGLT2)

Gliflozin bao gồm các loại thuốc dapagliflozin, Empagliflozin và Canagliflozin. Chúng khiến lượng đường được bài tiết qua nước tiểu nhiều hơn, làm giảm lượng đường trong máu. Gliflozins có thể gây nấm âm đạo và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan (quá nhiều axit trong máu).

6. Bị tiểu đường uống thuốc gì là phù hợp nhất?

Thuốc hạ đường huyết không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị phù hợp cho tất cả những người mắc bệnh tiểu đường. Một người có cần dùng thuốc trị tiểu đường hay bị tiểu đường uống thuốc gì phù hợp nhất và thuốc tiểu đường uống khi nào - phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau:

  • Mục tiêu điều trị.
  • Tuổi tác.
  • Tình trạng sức khỏe chung.
  • Các tình trạng y tế khác.
  • Đang dùng các loại thuốc khác.

Cần hiểu rõ về các loại thuốc tiểu đường để sử dụng an toàn và hiệu quả

7. Lượng đường trong máu nên giảm bao nhiêu?

Để xem mức độ đường huyết của người bệnh được điều chỉnh tốt như thế nào trong thời gian dài, các bác sĩ có thể đo giá trị HbA1c. Giá trị này là thước đo lượng đường trong máu trung bình trong 2 đến 3 tháng qua. Ở những người không bị tiểu đường, giá trị HbA1c thường dưới 6%.

Giá trị mục tiêu sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, bao gồm tuổi và bất kỳ bệnh lý nào khác mà người bệnh có thể mắc phải. Nhiều người được khuyên nên giảm lượng đường trong máu xuống giá trị HbA1c từ 6,5 đến 7,5% nhưng giảm xuống 8,5% hoặc ít hơn cũng có thể là đủ, đặc biệt là ở những người lớn tuổi mắc các bệnh lý khác. Điều này là do giá trị rất thấp có thể có nhiều bất lợi hơn là có lợi. Ví dụ, người bệnh có thể phải dùng nhiều thuốc hơn để đạt được giá trị HbA1c thấp hơn; khi đó, có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ xuất hiện các đợt hạ đường huyết cao hơn. Vì vậy, giá trị HbA1c mục tiêu phải được xác định riêng cho từng người.

Tóm lại, nếu thay đổi lối sống như giảm cân, ăn uống lành mạnh và tham gia hoạt động thể chất thường xuyên không kiểm soát được mức đường huyết, người bệnh có thể cần được xem xét bổ sung uống thuốc tiểu đường vào lúc nào để giúp giảm mức đường huyết cũng như nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Điều quan trọng khác là người bệnh cũng phải hiểu các tác dụng phụ có thể xảy ra của từng loại thuốc, phải làm gì nếu gặp phải chúng để việc kiểm soát đường huyết đạt hiệu quả và an toàn.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org