Cách kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường
Các chỉ số tiểu đường cung cấp thông tin để xác định tình trạng sức khỏe trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh đái tháo đường. Nắm rõ những thông tin về chỉ số đường huyết sẽ giúp bạn sớm nhận biết để từ đó lên phương án điều trị và thay đổi chế độ chăm sóc phù hợp.
1.Tổng quan về căn bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh lý về rối loạn carbohydrate xảy ra khi cơ thể thiếu hụt Insulin khiến hàm lượng đường hay Glucose trong máu tăng cao vượt ngưỡng bình thường. Sự thiếu hụt Insulin có thể do tế bào β Langerhans ở đảo tụy giảm hay ngừng tiết Insulin (tiểu đường type 1) hoặc tuyến tụy vẫn tiết Insulin nhưng hormone này hoạt động kém hiệu quả (tiểu đường type 2). Lúc này, lượng Glucose không chuyển hóa thành năng lượng tại các tế bào nên dư thừa trong máu. Khi đó, thông qua các xét nghiệm chỉ số tiểu đường, bác sĩ có thể xác định chính xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Hàm lượng đường trong máu tăng cao do thiếu hụt Insulin
2. Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường?
Tiểu đường có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, tiểu đường type 1 thường gặp người trẻ dưới 30 tuổi, còn tiểu đường type 2 phổ biến với những đối tượng sau:
- Người từ 45 tuổi trở lên.
- Người thừa cân, béo phì.
- Bệnh nhân bị bệnh mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, gout,…
- Phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ, sinh con nặng trên 4kg hoặc sảy thai nhiều lần.
- Người có tiền sử gia đình bị bệnh đái tháo đường.
- Những người ngồi quá lâu, ít vận động thể lực do tính chất công việc như nhân viên văn phòng, kế toán,…
Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị tiểu đường thai kỳ do chế độ ăn thiếu cân đối, lượng thức ăn bổ sung cho cơ thể quá nhiều, tăng cân mất kiểm soát,… Do đó mà mẹ bầu cần chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt đồng thời tái khám theo định kỳ để kiểm soát đường huyết trong máu.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường
Hầu hết bệnh nhân bị tiểu đường giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Nếu có, biểu hiện cũng rất mơ hồ nên người bệnh khó nhận biết. Việc phát hiện sớm hầu hết thông qua các chỉ số tiểu đường khi làm xét nghiệm đánh giá sức khỏe tổng quát hoặc kiểm tra bệnh lý khác. Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh tiểu đường:
- Tiểu đường type 1: Người bệnh thường xuyên có cảm giác đói, kể cả khi mới ăn xong, cơ thể mệt mỏi, khó chịu, thiếu sức sống do tế bào không được cung cấp năng lượng, tiểu tiện bất thường, tần suất đi tiểu tăng, sụt cân, giảm thị lực,... Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1 thường diễn ra từ vài ngày đến vài tuần. Nếu người bệnh không phát hiện và can thiệp điều trị sẽ chuyển sang nặng và dễ dẫn đến biến chứng.
- Tiểu đường type 2: Các triệu chứng của tiểu đường type 2 thường diễn biến âm thầm, khó nhận biết hơn type 1. Người bệnh bị tiểu đường type 2 thường gặp tình trạng vết thương hở khó lành, dễ bị nấm, nhiễm trùng ở vùng da có nếp gấp hoặc thường xuyên ẩm ướt,… Các triệu chứng khác đi kèm như ăn nhiều, tiểu nhiều, gầy sụt cân nhanh.
Bệnh nhân tiểu đường type 1 thường xuyên cảm thấy đói kể cả khi mới ăn xong
4. Các chỉ số xét nghiệm tiểu đường
Hiện nay, chỉ số đường huyết và HbA1c đóng vai trò hỗ trợ nhau trong chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi bệnh nhân bị tiểu đường.
4.1. Chỉ số HbA1c
HbA1c là sự kết hợp giữa Hemoglobin và Glucose. Nếu hàm lượng Glucose trong máu cao, lượng đường gắn với Hb sẽ tăng. Điều này đồng nghĩa với chỉ số xét nghiệm HbA1c tăng. Xét nghiệm này được thực hiện ở mọi thời điểm, bệnh nhân không cần phải nhịn đói với mục đích đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong thời gian 2 - 3 tháng gần nhất.
4.2. Chỉ số đường huyết
Chỉ số đường huyết được chia làm 3 loại gồm: Chỉ số đường huyết lúc đói, ngẫu nhiên và xét nghiệm dung nạp Glucose. Chỉ số tiểu đường an toàn đối với cơ thể khỏe mạnh và chẩn đoán tiểu đường là:
Chỉ số tiểu đường an toàn và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường
5. Tại sao cần kiểm soát đường huyết?
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường được chia thành 2 thể bệnh theo nguyên nhân và cách điều trị cũng khác nhau bao gồm tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Dù điều trị theo cách nào thì mục tiêu vẫn là kiểm soát chỉ số đường huyết ở mức an toàn, ổn định đường huyết để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân đường huyết cao cần kiểm soát đường huyết ở mức an toàn
Những biến chứng do đường huyết cao mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Biến chứng ở mắt: tổn thương mao mạch đáy mắt dẫn đến giảm thị lực, mù lòa, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể
- Biến chứng ở thận: Mạch máu trong thận bị tổn thương sẽ dẫn đến suy thận.
- Biến chứng tim mạch: tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành và viêm tắc động mạch chi dưới.
- Biến chứng thần kinh: sa sút trí tuệ, rối loạn hệ thần kinh ngoại biên, nhịp tim và nhịp thở không ổn định,…
6. Bí quyết kiểm soát đường huyết
Người bệnh tiểu đường cần lưu ý phòng ngừa nguy cơ hạ đường huyết như dùng thuốc đều đặn, đúng liều, ăn uống đầy đủ, theo dõi đường huyết thường xuyên và khi bị ốm hoặc ăn kém cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh liều thuốc phù hợp.
Nếu không kiểm soát đường huyết tốt dễ bị hạ đường huyết. Nhiều trường hợp bị hạ đường huyết, người nhà phát hiện chỉ cho ăn uống hoặc truyền đường, sau đó lại tiếp tục đơn thuốc cũ. Hậu quả là ngày hôm sau người bệnh lại tiếp tục bị tụt đường dẫn đến tổn thương não, hôn mê sâu. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường.
5 nguyên tắc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, gồm:
Thường xuyên đo đường huyết tại nhà
6.1. Kiểm soát theo dõi đường huyết
Người bệnh cần thường xuyên đo và ghi lại nhật ký kết quả đo đường huyết tại nhà. Cần lưu ý các thời điểm đo bao gồm: đo đường huyết lúc đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), trước khi ngủ, trước hoặc sau khi tập thể dục. Ngoài phương pháp sử dụng máy đo đường huyết thông thường, hiện nay các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục là kỹ thuật mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh tiểu đường, đồng thời giúp bác sĩ đưa ra các tư vấn cần thiết, kịp thời điều chỉnh chế độ điều trị, kiểm soát tốt đường huyết cho người bệnh.
6.2. Cần có chế độ ăn, uống hợp lý
Chế độ ăn hợp lý là nền tảng trong điều trị đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp người đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng và giảm thiểu các biến chứng.
- Nên hạn chế tinh bột
Carbohydrate (tinh bột), là nguồn năng lượng chính cung cấp cho cơ thể hàng ngày. Carbohydrate được tiêu hóa trong cơ thể tạo thành đường trong máu. Khẩu phần carbohydrate trong bữa ăn của bạn có ảnh hưởng lớn nhất đến nồng độ đường trong máu. Tuy nhiên, nếu bị bệnh tiểu đường không có nghĩa phải ngừng ăn các loại thực phẩm có chứa carbohydrate. Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây để cung cấp năng lượng ổn định. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về lượng carbohydrate vừa phải trong các bữa ăn.
- Đối với chất béo
Xem trên nhãn hàng để lựa chọn thực phẩm phù hợp tránh các chất béo bão hòa, lựa chọn các chất béo không bão hòa như dầu ô liu, lạc, vừng…Đồng thời nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như khoai tây, cá, các loại rau xanh.
- Hạn chế ăn muối
Nếu đang có một chế độ ăn nhiều muối, hãy giảm ngay lượng muối trong đó, điều này giúp hạ huyết áp và bảo vệ thận. Vì các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, nên sử dụng các nguyên liệu tươi để chế biến món ăn. Có thể sử dụng các loại thảo mộc và gia vị thay muối khi nấu ăn. Người trên 50 tuổi, người mắc bệnh cao huyết áp, Tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính nên ăn không quá 1.500 mg muối 1 ngày – lượng muối này chỉ tương đương với nửa muỗng cà phê.
- Uống đủ nước
Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày giúp cân bằng chuyển hóa và tăng khả năng đào thải các chất dư thừa thông qua nước tiểu.
6.3. Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Xây dựng thói quen ngủ đúng giờ và đủ 6 - 8 tiếng 1 ngày để cơ thể được nghỉ ngơi, mạch máu thư giãn, hỗ trợ kiểm soát tốt các chỉ số tiểu đường. Tránh tình trạng thức quá khuya rồi ngủ bù vào ban ngày làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
6.4. Giảm cân nếu cần thiết
Nếu đang bị thừa cân, giảm cân là cách hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Nó sẽ giúp giảm lượng đường và mỡ trong máu và cải thiện huyết áp. Tuy nhiên việc giảm cân của người mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ theo một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Để bắt đầu, hãy thử cắt giảm thực phẩm giàu chất béo và năng lượng từ chế độ ăn hàng ngày. Người mắc bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn đặc biệt nhằm hạn chế thừa cân và tăng lượng đường trong máu.
Nên có chế độ ăn hợp lý cho người bệnh tiểu đường
6.5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu đang dùng insulin hoặc đường huyết không ổn định, cần thường xuyên đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời và có chế độ chăm sóc hợp lý. Nên kiểm tra mắt, thần kinh, thận và các biến chứng khác. Gặp bác sĩ nha khoa hai lần một năm để kiểm tra răng miệng. Khi khám, hãy lưu ý với các bác sĩ về tình trạng bệnh tiểu đường để có kết quả chính xác hơn.
Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng bàn chân chỉ từ những vết thương nhỏ. Vì vậy, cần điều trị các vết thương, vết cắt, trầy xước thật nhanh chóng trước khi bị nhiễm trùng nặng.
Người bệnh nên tự kiểm tra hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân hằng ngày. Nếu nhận thấy da đổi màu, da nứt nẻ, rộp phồng, các vết nứt sâu trên da, da bàn chân đỏ và sưng xung quanh móng chân, chảy dịch hoặc mưng mủ... người bệnh cần thăm khám với bác sĩ phụ trách để được chăm sóc y tế. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.
Ngoài ra, không nên bỏ qua những dấu hiệu bất thường gặp phải ở mắt mà hãy liên lạc với bác sĩ nhãn khoa để được giải đáp.
6.6. Tập luyện thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục cùng với chế độ ăn hợp lý được coi là nền tảng của mọi phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Bệnh nhân được khuyến khích vận động thường xuyên, tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cần uống đủ nước và nên ngủ, thức đúng giờ. Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya giúp nhịp sinh học cơ thể không bị xáo trộn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Tuyệt đối "nói không" với rượu, bia, thuốc lá, nước uống có gas và các chất kích thích có hại cho sức khỏe vì đây là "kẻ thù" của người bệnh tiểu đường.
Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân phổ biến gây bệnh tim mạch, thận, thần kinh… Nhưng một điều đáng mừng, có tới 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng việc tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể lực. Bên cạnh đó, việc tuân thủ điều trị và kiểm tra sức khỏe thường xuyên góp phần thành công trong kiểm soát bệnh và phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.
Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org
Bác sĩ chuyên khoa Khoa II Trần Quang Đạt - Nguyên trưởng khoa Châm cứu Đại Học Y Hà Nội chia sẻ về sản phẩm Cao Nam Dương Đường Huyết
CAO NAM DƯƠNG - NHỊP SỐNG KINH DOANH HTV9
Quy trình sản xuất Cao Nam Dương
Cảm nhận của bệnh nhân khi sử dụng sản phẩm Cao Nam Dương Xương Khớp
Cô Hoàng Thị Lan - Bạc Liêu chia sẻ công dụng Cao Nam Dương Đường Huyết sau một thời gian sử dụng
Anh Lê Tuấn Anh - Gò Vấp đánh giá sản phẩm sau khi sử dụng sản phẩm Cao Nam Dương Đường Huyết
Chị Nguyễn Thị Linh ở Hải Phòng chia sẻ cảm nhận sau khi sử dụng sản phẩm Cao Nam Dương Đường Huyết
Bác sĩ chuyên khoa Khoa II Trần Quang Đạt - Nguyên trưởng khoa Châm cứu Đại Học Y Hà Nội chia sẻ về sản phẩm Cao Nam Dương Xương Khớp