Dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường type 1

Chế độ ăn uống và hoạt động thể chất là cực kỳ quan trọng trong việc quản lý các chỉ số A1C, Huyết áp và Cholesterol của bệnh tiểu đường type 1. Hãy theo dõi bài viết sau để biết thêm thông tin về dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường type 1.

1. Tiểu đường type 1 là gì?

Tiểu đường type 1 còn được biết đến với cái tên khác là tiểu đường phụ thuộc insulin. Đây là một căn bệnh mãn tính, do tuyến tụy sản sinh ra ít hoặc không sản xuất insulin - hormone giúp vận chuyển đường từ máu vào tế bào, làm các tế bào trong cơ thể không sử dụng được đường tạo thành năng lượng.

Người mắc bệnh có thể ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng đa số xuất hiện ở độ tuổi vị thành niên, trẻ em, thậm chí khi trưởng thành mới phát hiện bệnh. Glucose là nguồn năng lượng chính để các bộ phận có thể hoạt động khỏe mạnh. Không có hoặc thiếu hụt insulin khiến chỉ số tiểu đường của người bệnh tăng cao, khả năng miễn dịch yếu đi. Người bệnh bắt buộc phải điều trị bằng insulin suốt đời.

Tiểu đường tuýp 1 còn có một tên gọi khác là tiểu đường phụ thuộc insulin

2. Tại sao chế độ ăn lại quan trọng với bệnh nhân tiểu đường type 1?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ kiểm soát bệnh tiểu đường. Một vài trong số này được kiểm soát bởi người bệnh tiểu đường, bao gồm khối lượng và những gì họ ăn, mức độ thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu, mức độ hoạt động thể chất, độ chính xác và nhất quán của việc dùng thuốc. Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Ăn một lượng thức ăn phù hợp mỗi ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn có thể cải thiện đáng kể việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, chẳng hạn như bệnh mạch vành, bệnh thận và tổn thương thần kinh. Ngoài ra, các biện pháp này cũng tác động đến việc kiểm soát cân nặng. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp tạo ra một kế hoạch thực phẩm phù hợp với nhu cầu y tế, lối sống và sở thích cá nhân của bạn.

3. Thời điểm ăn uống của bệnh nhân tiểu đường type 1

Ăn đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày là điều quan trọng đối với một số người, đặc biệt là những người dùng insulin tác dụng kéo dài (ví dụ: NPH). Nếu bữa ăn bị bỏ qua hoặc trì hoãn, bạn sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Những người sử dụng liệu pháp insulin liên tục (những người sử dụng máy bơm insulin hoặc nhiều lần tiêm insulin hàng ngày) có thời gian bữa ăn linh hoạt hơn. Với những chế độ này, việc bỏ qua hoặc trì hoãn bữa ăn thường không dẫn đến tăng nguy cơ lượng đường trong máu thấp.

Thỉnh thoảng, bạn có thể ăn thức ăn có nhiều chất béo (ví dụ như bánh pizza), mặc dù mức đường huyết cần được theo dõi chặt chẽ hơn. Các bữa ăn giàu chất béo, giàu protein được nên được chia nhỏ và tiêu thụ chậm hơn so với các bữa ăn ít chất béo và ít protein hơn.

Khi sử dụng insulin tác dụng nhanh (ví dụ như Humalog, Novolog) trước bữa ăn, lượng đường trong máu có thể trở nên thấp ngay sau khi ăn một bữa ăn nhiều chất béo và sau đó tăng lên vài giờ sau đó. Những người tiêu thụ các bữa ăn có chứa nhiều protein hoặc chất béo hơn bình thường có thể cần điều chỉnh liều insulin trong bữa ăn để kiểm soát sự gia tăng chậm trễ của lượng đường trong máu. Những người sử dụng máy bơm insulin có thể sử dụng chế độ cung cấp insulin kéo dài để quản lý tốt hơn lượng đường trong máu sau khi ăn một bữa ăn giàu chất béo hoặc protein.

Người bệnh tiểu đường type 1 nên chú ý ăn đều đặn các bữa trong ngày

4. Lượng carbohydrate là yếu tố quan trọng

Carbohydrate là nguồn năng lượng chính trong chế độ ăn uống, bao gồm tinh bột, rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa và đường. Hầu hết các loại thịt và chất béo không chứa bất kỳ carbohydrate nào.

Carbohydrate có tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu trong khi protein và chất béo có tác động rất ít. Ăn một lượng carbohydrate nhất quán trong mỗi bữa ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt nếu bạn dùng insulin tác dụng kéo dài (ví dụ: NPH).

Có một số cách để tính toán hàm lượng carbohydrate trong bữa ăn. Một chuyên gia dinh dưỡng thường giúp xác định số lượng carbohydrate cần thiết trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ dựa trên thói quen ăn uống thông thường, chế độ insulin, trọng lượng cơ thể, mục tiêu dinh dưỡng và mức độ hoạt động của bạn. Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường cho biết, họ tiêu thụ một lượng carbohydrate vừa phải (44 đến 46% tổng lượng calo). Cách phân chia carbohydrate cho mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ dựa trên sở thích cá nhân, thời gian và khoảng cách bữa ăn và chế độ insulin.

Điều quan trọng cần lưu ý là khẩu phần và số gam chất xơ khi tính toán lượng carbohydrate. Ăn nhiều hơn một khẩu phần sẽ làm tăng số lượng calo và carbohydrate tiêu thụ và liều lượng insulin cần thiết. Ví dụ, một số đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn có chứa hai hoặc nhiều phần ăn. Để tính hàm lượng carbohydrate của toàn bộ gói, hãy nhân số phần ăn với số lượng carbohydrate.

Khi một khẩu phần thức ăn có nhiều hơn 5 gam chất xơ, liều insulin được tính bằng cách lấy số gam chất xơ trừ đi số gam carbohydrate.

5. Bệnh nhân tiểu đường type 1 nên ăn uống như thế nào?

Protein và chất béo không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu nhưng chúng lại góp phần vào số lượng calo tiêu thụ. Ăn một lượng calo phù hợp mỗi ngày có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể. Lượng calo khuyến nghị của một cá nhân được trình bày dưới đây.

Hướng dẫn dinh dưỡng của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) không đưa ra các mục tiêu tổng thể về chế độ ăn uống cụ thể ngoại trừ các khuyến nghị sau, phần lớn tương tự với các khuyến nghị cho dân số chung:

  • Khuyến khích chế độ ăn bao gồm carbohydrate từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và sữa ít béo. Những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh đồ uống có đường (bao gồm cả nước hoa quả).
  • Chất lượng chất béo quan trọng hơn số lượng chất béo. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa góp phần gây ra bệnh tim mạch vành (CHD), trong khi chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có tác dụng bảo vệ tương đối. Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ăn một chế độ ăn ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có thể giúp giảm mức cholesterol và giảm những nguy cơ này.

Người bệnh tiểu đường type 1 được khuyến khích tiêu thụ carbohydrate từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt,...

  • Vai trò của việc hạn chế protein trong chế độ ăn của người tiểu đường là không chắc chắn. Hơn nữa, không chắc liệu chế độ ăn ít protein có góp phần đáng kể vào các biện pháp khác nhằm giảm nguy cơ tim mạch và bảo tồn chức năng thận hay không, chẳng hạn như ức chế men chuyển (ACE), kiểm soát tích cực huyết áp và đường huyết.
  • Chế độ ăn giàu chất xơ (25 đến 30 gam mỗi ngày) có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và hemoglobin glycated (A1C).
  • Nên áp dụng chế độ ăn ít natri (dưới 2300 mg mỗi ngày) và nhiều trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa ít béo để có thể giúp kiểm soát huyết áp. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường và suy tim, chế độ ăn ít natri có thể làm giảm các triệu chứng.
  • Chất làm ngọt nhân tạo không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và có thể được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Đối với những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên, đồ uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo có thể là một chiến lược thay thế ngắn hạn tốt. Tuy nhiên, mọi người được khuyến khích giảm cả đồ uống có đường, đường nhân tạo và thay thế bằng nước lọc.
  • Trước đây, những người mắc bệnh tiểu đường được yêu cầu tránh tất cả các loại thực phẩm có thêm đường nhưng điều này không còn đúng hoàn toàn. Bạn vẫn nên ăn các sản phẩm có một lượng đường nhất định kết hợp với chế độ ăn lành mạnh. Nếu bạn dùng insulin, hãy tính liều lượng insulin của bạn dựa trên số lượng carbohydrate, đã bao gồm hàm lượng đường, như đã được mô tả ở phần trên.
  • Hãy đọc kỹ nhãn dinh dưỡng và so sánh các sản phẩm với nhau để xác định loại nào có sự cân bằng tốt nhất về khẩu phần và số lượng calo, carbohydrate, chất béo và chất xơ.

Chế độ ăn của người bệnh tiểu đường type 1 nên giàu chất xơ

Số lượng calo khuyến nghị để duy trì cân nặng phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và mức độ hoạt động của bạn. Cụ thể:

  • Nam giới, phụ nữ năng động - 15 calo / lb.
  • Hầu hết phụ nữ, nam giới ít vận động và người lớn trên 55 tuổi - 13 cal / lb.
  • Phụ nữ ít vận động, người lớn béo phì - 10 cal / lb.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú - 15 đến 17 cal / lb.

Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng là yếu tố cực kỳ quan trọng để bệnh nhân tiểu đường type 1 có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Để có thể đưa ra phương án điều trị kịp thời và hợp lý, bạn nên tiến hành tầm soát sớm bệnh tiểu đường ở các cơ sở y tế uy tín.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org